Search

Dcorp Blog

Giải quyết bài toán về vốn kinh doanh nhà hàng

Bài toán về vốn kinh doanh nhà hàng luôn là một vấn đề lớn với mọi chủ đầu tư. Làm thế nào để bạn có thể nhận diện và tránh được những rủi ro từ nguồn vốn đầu tư?

Vấn đề đầu tiên luôn là tiền đâu, đây là quy luật bất biến trong kinh doanh nhà hàng. Thiếu vốn kinh doanh, tất nhiên bạn sẽ thất bại. Nhưng thậm chí ngay cả khi bạn có đủ vốn cũng không ai có thể đảm bảo thành công cho nhà hàng của bạn.

“Viêm màng túi”

Tại Việt Nam ít có một ai bắt đầu kinh doanh nhà hàng chỉ với một ý tưởng nhỏ và một chiếc ví rỗng. Họ thường phải có một số vốn căn bản và huy động vốn lưu động bên ngoài mới có thể thực hiện được ý tưởng kinh doanh nhà hàng. Bởi lẽ đó giai đoạn đầu setup nhà hàng chủ đầu tư ít khi gặp vướng mắc vì thiếu vốn.

Bắt đầu kinh doanh là giai đoạn mà số đông chủ kinh doanh nhà hàng lâm vào tình trạng khủng hoảng. Lỗi sai ở đây là họ chỉ dự trù kinh phí để hoàn thành nhà  hàng mà chưa tính thêm chi phí duy trì hoạt động trong những ngày đầu khởi nghiệp.

Khoảng 3 đến 6 tháng đầu sau khi khai trương là khoảng thời gian chủ kinh doanh nhà hàng chưa thể quay vòng vốn. Vì với tư cách người mới, bạn chưa thể tự mình thu hút được khách hàng mà phải thực hiện nhiều chương trình marketing như khuyến mãi, chạy quảng cáo tốn chi phí tương đối lớn. Thêm vào đó là khoản tiền dành cho lương nhân viên và chi phí nguyên vật liệu. Do đó, bạn cần phải chuẩn bị sẵn nguồn vốn dự trữ.

Bên cạnh đó, khi nhà hàng mở rộng quy mô cũng là lúc quản lý nhà hàng phải chuẩn bị nguồn vốn dự phòng lớn. Để mở một cơ sở mới, bạn gần như phải bỏ ra chi phí tương đương với nhà hàng đầu tiên, chưa tính đến tỷ lệ lạm phát. Hơn thế, bạn vẫn phải tiếp tục duy trì hoạt động của cơ sở đầu tiên, nên nếu không tính toán kỹ thì lượng vốn kinh doanh bỏ ra sẽ không quay đầu lại với bạn.

vốn kinh doanh nhà hàng

>> Xem thêm: Review top 5 phần mềm quản lý nhà hàng tốt nhất 2023

Đầu tư dàn trải

Sai lầm thứ hai liên quan đến nguồn vốn mà các chủ kinh doanh nhà hàng thường hay phạm phải đó là đầu tư dàn trải. Nguyên nhân này là hệ quả của việc chủ kinh doanh nhà hàng không đầu tư có trọng điểm, không có hạng mục ưu tiên do thiếu kế hoạch kinh doanh nhà hàng.

Một bản kế hoạch kinh doanh nhà hàng sẽ giúp bạn vạch ra mục tiêu và phương thức thực hiện mục tiêu đó. Từ đó, bạn có thể nhận thấy những vấn đề ưu tiên tương ứng với từng giai đoạn phát triển của nhà hàng. Tuy nhiên, phần lớn quan điểm của các chủ đầu tư lại cho rằng kinh doanh nhà hàng ăn uống chỉ đơn giản là tìm địa điểm, thuê nhân viên và bán hàng. Một ngộ nhận quá sơ sài, chính vì vậy mà họ không thấy cần thiết phải lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng.

Nhưng khi dấn thân vào ngành kinh doanh nhà hàng, các chủ đầu tư mới vỡ lẽ ra rằng sự việc không đơn giản như họ nghĩ. Đâm lao thì phải theo lao, họ cố công làm tất cả mọi thứ để sớm khai trương với mong muốn thu hồi vốn. Đây là thời điểm cho sai lầm phát sinh. Vốn nghỉ khi mọi việc đều được đẩy nhanh sẽ thúc đẩy tiến độ chung, nên các chủ đầu tư “nhiệt tình” cho các hạng mục nhằm tăng tốc quá trình setup nhà hàng.

Có hai hậu quả của sai lầm này. Thứ nhất, đầu tư nhanh, tăng tốc độ tiến hành các giai đoạn khiến sự chăm chút cho mỗi công đoạn bị giảm, không đảm bảo đúng chất lượng theo yêu cầu. Thứ hai, sự không suy tính có thể khiến nhà kinh doanh chi tiền cho những hạng mục không thực sự cần thiết.

Ngay cả khi đã có kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng, nhiều người quản lý vẫn không hề biết cân nhắc thiệt hơn giữa những hạng mục cần đầu tư. Điển hình là khi chủ kinh doanh nhà hàng muốn mở rộng cơ sở hoặc mở thêm cơ sở mới.

Xu hướng của các chủ kinh doanh giai đoạn này là muốn nhà hàng sau phải thật hoành tráng, bề thế hơn trước nên mua sắm không dự tính. Điều này dễ đẩy họ vào tình trạng thiếu vốn kinh doanh do đầu tư vào các hạng mục không cần thiết thay vì những hạng mục đáng ra nên được quan tâm hơn.

vốn kinh doanh nhà hàng

Tìm giỏ đặt trứng

Đầu tư mạo hiểm là một điều đáng để cân nhắc. Một ý tưởng khả thi nhưng cần có động lực để hiện thực hoá nó, và đó chính là nguồn vốn kinh doanh. Đừng nghĩ rằng nếu bạn có đủ số vốn cần thiết thì sẽ huy động toàn bộ cho dự án kinh doanh nhà hàng. Không nên đặt tất cả trứng vào một giỏ, đúng, nhưng bạn phải biết tìm chiếc giỏ an toàn để đặt trứng.

Sự trợ giúp từ người thân

Chiếc phao cứu trợ đầu tiên mọi người vẫn hay nghĩ tới đó là sự trợ giúp từ người thân. Huy động vốn kinh doanh từ bạn bè và người thân là cách hữu hiệu nhất trong mắt nhiều người. Bạn có thể vận động được một nguồn vốn tương đối lớn, nhanh chóng và không mất bất kỳ một thủ tục thế chấp nào.

Tuy nhiên, bạn cũng nên cân nhắc thật kỹ, đi vay vấn đề chính không chỉ đơn thuần là tài chính mà bạn còn đặt cược cả một mối quan hệ. Nếu sự cố có xảy đến với dự án kinh doanh nhà hàng thì mối quan hệ của bạn cũng vậy.

Cọc đi tìm trâu

Huy động chung vốn chủ sở hữu là phương pháp thứ hai đáng được cân nhắc. Cách làm này cũng không phức tạp về thủ tục và bạn dễ dàng tìm được người hợp tác nếu có một ý tưởng tốt. Tuy nhiên, người Việt có vẻ khá “đa nghi” với người lạ, nên đối tượng mời hợp tác cùng lại quay về đối tượng đầu tiên. Chỉ có điều là nếu có thất bại xảy ra họ sẽ cùng chia sẻ gánh nặng với bạn.

Một lưu ý cho bạn khi chọn đối tượng hợp tác kinh doanh: Không chỉ quan tâm đến tiềm lực tài chính của đối phương mà bạn nên lưu tâm đến sự phù hợp về tính cách, quan điểm và tham vọng kinh doanh của người đó. Bởi đây là đối tượng bạn cùng chia sẻ quyền quản lý nhà hàng và hợp tác lâu dài nên họ phải thực sự đồng điệu với bạn về chí hướng.

Vay vốn kinh doanh từ ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng dường như là giải pháp cuối cùng được các chủ kinh doanh nhà hàng xem xét. Bạn có thể huy động được lượng vốn lớn và nhanh chóng phù hợp với các mô hình kinh doanh theo chuỗi. Tuy nhiên, bạn lại cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định của bên cho vay hoặc thế chấp tài sản. Trên thực tế, tổ chức tín dụng thường cho vay với lãi suất rất cao, điều này làm giảm uy tín của giải pháp huy động vốn này.

Chia năm, sẻ bảy

Ngay cả khi bạn đã huy động đủ số vốn kinh doanh cần thiết thì khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó. Liệu cơm gắm mắm, bạn phải biết cách phân bổ nguồn vốn đó một cách thật hợp lý.

Đây là lúc bạn thấy được tầm quan trọng của việc lập kế hoạch kinh doanh nhà hàng. Tuy nhiên, ngay cả với một chủ quản lý nhà hàng nhiều kinh nghiệm thì việc lập một kế hoạch khả thi vẫn là một bài toán khó. Bởi kinh doanh nhà hàng chịu tác động của nhiều yếu tố biến động. Nếu không có kinh nghiệm, chúng tôi khuyên bạn nên thuê những chuyên gia về setup nhà hàng. Với kinh nghiệm dày dặn, họ sẽ biết cách đưa ra những giải pháp phù hợp với khả năng tài chính và mục đích của bạn.

Theo lời khuyên của những chuyên gia hoạt động lâu năm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, bạn phải dự trữ khoảng 20-30% tổng chi phí đầu tư để làm vốn dự phòng. Phần vốn này sẽ được dùng để duy trì hoạt động của nhà hàng sau khi khai trương ít nhất là 3 tháng đầu. Phần còn lại để đầu tư cho các công đoạn setup khác.

Sai một ly đi một dặm, thiếu sót về kiến thức và kinh nghiệm có thể sẽ đẩy nhà hàng của bạn tụt dốc. Hãy đọc tiếp bài viết dưới đây

Xem thêm:
Kinh nghiệm kinh doanh nhà hàng: Muốn thành công – đừng mơ mộng (P10)
Khám phá 15 chuỗi nhà hàng của Golden Gate nổi tiếng nhất

(Theo SmartGoal)

Share:

Facebook
Twitter
LinkedIn